Mẹ chồng tôi đã từng nói "Bác sĩ chúng mày cũng chỉ là công nhân"

Mẹ chồng tôi đã từng nói "Bác sĩ chúng mày cũng chỉ là công nhân"

Mẹ chồng tôi là người buôn bán thịt lợn, giò chả có tiếng. Thấy tôi cứ ngược xuôi tìm việc, bà hỏi “Đi làm công nhân như thế lương tháng được bao nhiêu?” (Trong con mắt bà, kỹ sư, bác sĩ gì cứ làm nhà nước là công nhân hết). Tôi bảo “Lương bác sĩ giờ được khoảng 30.000 mẹ ạ”. Bà buông sõng một câu “Thế thì tao dí… B vào mà làm!”
TÔI ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ SỐNG VÀ TRỤ LẠI VỚI NGÀNH Y.

Theo nguyện vọng của cha mẹ (vốn làm ngành Y từ thời Pháp) và cũng là ý thích cá nhân, tôi thi vào ngành Y.

Ra trường, sở Y tế Bắc Thái là nơi cử tôi đi học chuyên khoa nhi theo chỉ tiêu lại từ chối tiếp nhận với lý do “Trong khi các chị đi học, sở thiếu người nên đã nhận người khác thế vào chỉ tiêu rồi”. Chưa có chỗ làm, tôi về quê chồng sinh sống và cố gắng đi xin việc quanh Hà Nội. Quê chồng tôi vốn là một làng buôn bán và làm thuốc lá giả nổi tiếng thời ấy (làng Đình Bảng- Hà Bắc). Mẹ chồng tôi là người buôn bán thịt lợn, giò chả có tiếng. Thấy tôi cứ ngược xuôi tìm việc, bà hỏi “Đi làm công nhân như thế lương tháng được bao nhiêu?” (Trong con mắt bà, kỹ sư, bác sĩ gì cứ làm nhà nước là công nhân hết). Tôi bảo “Lương bác sĩ giờ được khoảng 30.000 mẹ ạ”. Bà buông sõng một câu “Thế thì tao dí… B vào mà làm!” Tôi tủi thân và uất ức lắm. Nhưng quả thật hồi ấy sau khi giúp mẹ chồng làm hàng, giờ rỗi tôi in giấy cuốn thuốc lá thuê cho người ta có ngày cũng kiếm được 90.000 đồng, gấp 3 lương bác sĩ lúc bấy giờ. Nhưng không thể cam chịu việc bố mẹ nuôi cho mình ăn học thành nghề mà lại bỏ nghề như vậy, lại có bất đồng với mẹ chồng vì bà chỉ muốn tôi ở nhà theo bà buôn bán. Sau 2 năm tôi ôm con trở lại Thái Nguyên. Lúc này có chỉ tiêu mới, tôi được nhận làm ở khoa Nhi bệnh viện tỉnh. Ước mơ làm bác sĩ được toại nguyện. Nhưng lương không đủ sống, hàng ngày tôi gửi con ở nhà ông bà ngoại, đạp xe 20 km đi làm. Sau xe tôi lúc nào cũng có hai cái thùng để trên đường về tôi rẽ vào mấy trường quân đội xin nước gạo về nuôi lợn. Trong bệnh viện có nhiều đất đồi bỏ không, bệnh nhân lại chưa đông như bây giờ. Những lúc rỗi chúng tôi lại ra cuốc đất trồng dây lang để nuôi lợn, áo blousse nhiều khi dính nhựa khoai lem nhem, không ít lần bị kiểm điểm. Nuôi lợn cũng không đủ sống, một năm mới bán được một con lợn, tiền cầm chưa kịp nóng tay đã hết. Tôi xoay ra buôn chuyến. Cứ hàng tuần tôi cất độ 1,2 tạ đường phên mang về quê chồng bán, rồi lại mua men rượu Hà Bắc đem lên Thái Nguyên rải cho những nhà nấu rượu. Ngày ấy phòng thuế bắt ghê lắm. Buôn men rượu phải gói thật kỹ không mùi men dễ lộ. Nhưng có chuyến tôi về cất hàng, men chưa kịp khô, gói kỹ thì sẽ hỏng. Tôi liều để hở bap men, lên toa tàu men tỏa hương thơm phức, mấy anh phòng thuế chẳng khó gì mà khui ra bao men. Lúc ấy tôi run lắm, nhưng vẫn nhắm mắt nhận liều vì sợ mất hết vốn. Cũng may anh phòng thuế nhìn thấy cái mặt tái mét ngây ngô của tôi, biết là công chức đi buôn chứ không phải chuyên nghiệp, nên bỏ qua và còn dặn tôi “Lần sau đi buôn men thì nhớ bọc kỹ vào nhé”. Cũng vài lần tôi theo cậu em họ đi buôn niken qua biên giới, mà nhiệm vụ chính của tôi là ngồi trên cabin giơ cái mặt ngây ngây ngô ngố ra để dễ lọt qua các trạm kiểm soát. Sau 3 lần trót lọt, tới lần thứ tư thì bị hải quan và biên phòng đuổi chạy hút chết. Thế là tôi cạch luôn.


Không phải bận tâm tới chuyện phong bì, không phải bận tâm tới chuyên làm thêm kiếm sống ngoài giờ, phần lớn các y bác sĩ ở ngạch y tế tư nhân vẫn yên tâm công tác. Ảnh: Internet

Sau 5 năm ở Thái Nguyên, để hợp lý hóa gia đình, tôi xin việc về bệnh viện Bưu Điện Hà Nội. Bệnh viên lúc ấy mới từ một trạm xá nâng cấp lên, giám đốc muốn phát triển bệnh viện nên sau khi sát hạch chuyên môn đã nhận tôi rất dễ dàng, chỉ nhận vài lạng chè tôi tự sao để cảm ơn. Những năm đầu 90, bệnh viện Bưu điện vẫn ăn lương ngân sách (nghĩa là lương như nghành Y ở ngoài), chưa được ăn lương ngành Bưu điện (vốn gấp 3- 4 lần). Từ tỉnh ngoài về, nhà cửa chưa có, lương không đủ ăn. Tôi dồn tiền tích cóp từ trước mua được căn nhà nhỏ chưa đầy 20 m2 ở trong ngõ chợ. Chị dâu tôi bán ở cửa hàng mỹ thuật, thấy loại tranh sơn khắc dễ bán cho khách Tây, lại biết tôi có khiếu hội họa. Vừa hay có chị bạn làm loại tranh này gửi bán ở cửa hàng. Chị dâu tôi ngỏ lời nhờ chị bạn dạy tôi làm tranh. Nể chị tôi và chắc nghĩ tôi chẳng thể làm tranh, chị bạn nhận lời. Ai dè khi tôi làm được tranh, tranh tôi làm lại bán đắt hàng hơn tranh của “thầy”. Tôi đành không gửi tranh ở cửa hàng của chị nữa. Tôi lọ mọ đạp cái xe Thống nhất rách đi các khách sạn Thắng Lợi, Dân Chủ, Hòa Bình… gửi tranh. Với hình thức bề ngoài cũng sáng sủa, khi tôi đạp xe vào khách sạn nhiều khi nhận được không ít ánh mắt kỳ thị nghi ngờ. Chỉ khi tôi bước vào quầy lưu niệm giao dịch thì những ánh mắt ấy mới mất đi. Thời ấy lương tháng của tôi khoảng 50 ngàn, nhưng một bức tranh tôi làm trong khoảng 1- 2 tuần có giá từ 100 đến 500 ngàn, thậm chí 1 triệu, giúp tôi trang trải cuộc sống và tích cóp chút ít. Nhưng tôi thường phải thức đến 2-3 giờ đêm để khắc tranh. Sau này bệnh viện được ăn lương theo ngành Bưu điện, thu nhập của tôi tăng lên, hàng quý, hàng năm lại được thưởng lên đến vài chục triệu, nên cuộc sống cũng dễ thở hơn. Bệnh nhân lại ngày càng đông. Việc bệnh viện nhiều nên tôi không tiếp tục làm tranh được nữa.

Thời gian qua, giám đốc cũ về hưu, giám đốc mới về nổi tiếng là người độc đoán, tham nhũng (giờ đang ngồi bóc lịch trong nhà đá). Tôi vốn là người thẳng tính nên bị o ép trù dập quá nhiều. Tôi đành xin chuyển công tác về Xanh Pôn. Khi tôi mới sang, cậu trưởng khoa ái ngại thông báo “Chị sang đây tuy là chuyển biên chế nhưng theo quy định 6 tháng đầu chị chỉ được hưởng 50% phúc lợi, còn lương thì chị biết rồi, thấp hơn Bưu Điện nhiều đấy”. Tôi gật đầu chấp nhận, miễn sao mình được làm nghề một cách ngay thẳng, chân chính. Khi ấy lương tôi là 3 triệu 8, mỗi tháng khoảng 2- 3 trăm tiền phúc lợi. Cầm lương mà như không có. Tôi dặn con “Mẹ mới chuyển công tác, thu nhập thấp nên mẹ con mình phải tiết kiệm nhé”, con tôi “Vâng” ngoan ngoãn. Một thời gian thấy con sút cân, tôi giật mình hỏi “Dạo này con ăn sáng thế nào?”, “Con bữa ăn bữa không mẹ ạ”, “Sao lại bữa ăn bữa không?”, “Vì mẹ bảo phải tiết kiệm mà”. Tôi trào nước mắt la con “Trời ơi, mẹ bảo tiết kiệm điện nước, chi tiêu linh tinh chứ ăn thì con phải ăn đầy đủ mới học được chứ?”. Tôi cố gắng co kéo để đủ chi tiêu cho con. Rồi khi bệnh viện có chủ trương xã hội hóa, trưởng khoa chúng tôi hăm hở động viên anh chị em góp vốn mua máy thay vào những máy cũ nhà nước cấp không còn dùng nổi, nhằm phục vụ chuyên môn tốt hơn và hy vọng tăng thu nhập cho anh em. Mở đầu dự án cậu trưởng khoa còn phấn khởi bảo “Cuối năm anh em sẽ mỗi người mua được một ô tô”. Nhưng hỡi ôi, chúng tôi vay mượn, huy động vốn của người thân, bạn bè góp vốn vào mua máy. Nhưng thu lại chỉ nhỉnh hơn lãi ngân hàng một tý, mà lại trả xé lẻ có khi 6 tháng mới được trả công và lãi, và gốc vốn của chúng tôi sau 8 năm thì hết hạn không rút ra được (nếu gửi ngân hàng thì sau 8 năm chúng tôi vẫn còn số tiền gốc). Điển hình là cái máy XQ vú, lúc ấy vàng 12 triệu/lạng. Tôi bán lạng rưỡi đi lấy 17 triệu góp vốn, vậy mà mỗi quý bây giờ chúng tôi được trả khoảng… 200 ngàn!!! Còn vốn thì hiển nhiên là mất rồi. Dự án xã hội hóa chỉ có lợi cho một số người… không phải góp vốn nhưng có chức quyền mà thôi!!!

Cuộc sống quá khó khăn, tôi bàn với anh em trong khoa sắp xếp đổi lịch trực cho nhau để mỗi tuần mỗi người có được một ngày nghỉ bù sau trực ra ngoài làm thêm. Thế là sau những tua trực 24/24, thức trắng đêm với hàng trăm bệnh nhân, sáng hôm sau chúng tôi vội vã thay vì về ngủ bù lại lao ra các phòng khám ngoài làm. Có thêm thu nhập nhưng mệt mỏi. Có những đêm trực thức trắng, sáng hôm sau bê bát cơm không nhìn rõ hạt mà vẫn phải đi làm tiếp cả ngày hôm sau. Quá mệt mỏi, tôi định xin miễn trực, nhưng nghĩ lại thấy như thế là làm tăng gánh nặng cho anh em, tôi đành thôi. Nhiều đồng nghiệp đã bỏ ra làm tư nhân nhưng tôi vẫn cố trụ lại, vì lý do con tôi đang học trường y, tôi cố ở lại bệnh viện công để có điều kiện đào tạo cho con tốt hơn.

Khi biết được có chế độ nghỉ hưu trước 5 năm đối với nhân viên XQ, tôi lập tức nộp đơn xin nghỉ hưu sau khi đạt được thỏa thuận với một bệnh viện tư về công việc và thu nhập. Giờ đây tôi chỉ đi làm thuê (không phải làm chủ như trước kia!!!). Thu nhập của tôi chưa phải là cao ngất nhưng khá ổn định, đủ sống, có phần tích lũy, và tôi được hưởng lương theo năng suất lao động. Càng đông bệnh nhân thu nhập càng khá. Chứ không như trong nhà nước, bệnh nhân quý này đông hơn quý trước, năm sau đông hơn năm trước gấp đôi, gấp 3 thì lương vẫn thế… Và với lương hưu chưa đầy 4 triệu/tháng, nếu không làm thêm thì chỉ đủ sống thật tằn tiện, chưa kể đến lúc ốm đau bệnh tật.

Vậy đấy, cả đời tôi chưa bao giờ nhận phong bì của bệnh nhân. Quà cáp thì đôi khi có nhưng chỉ là vài cân hoa quả, chục hộp sữa chua, đa phần là do bạn bè đồng nghiệp cho khi nhờ khám cho người nhà... Và bây giờ, tôi thấy mẹ chồng tôi đã sáng suốt xếp bác sĩ chúng tôi đồng hạng với công nhân là rất đúng!!!

Người ta bảo đến bác sĩ là phải có phong bì. Bảo những người bỏ nhà nước ra làm tư nhân như tôi là “Qua cầu rút ván”. Có ai tin những diều tôi kể trên đây trăm phần trăm là sự thật không? Giờ đây tôi tự hào là mình vẫn có thể kiếm tiền trang trải cho gia đình mà vẫn phục vụ được bệnh nhân, vẫn gắn bó với ngành y mà chưa một lần nhận phong bì của ai cả. Chỉ mong rằng những người ngoài ngành hiểu rằng, để sống và trụ lại với ngành y, tôi và các đồng nghiệp của tôi đã trải qua rất nhiều việc như thế.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Nguyệt



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Contact Us

Tên

Email *

Thông báo *

Back To Top