Bác sĩ ''zoombie'' tại khoa cấp cứu

Bác sĩ ''zoombie'' tại khoa cấp cứu

Những ngày chớm đông, các con sâu uống rượu bị xuất huyết tiêu hóa lũ lượt đến viện. Mặt mình dài ra như cái bơm đi chạy chữa và truyền máu vào các mạch máu của bệnh nhân xơ gan bụng đầy dịch to đùng ấy nhằm hòa loãng bớt số rượu chứa trong đó. Có ngày phải chuyển vào khoa tiêu hóa đến 30 bệnh nhân, những người phúc lớn (bụng to). Và bọn bác sĩ mặt nhăn như khỉ (mình gọi là đười ươi chân nhân) thỉnh thoảng bị các bác sĩ khoa tiêu hóa gọi điện xuống nhắc nhở thôi đừng cho bệnh nhân lên nữa. Nhưng không cho người ta lên đấy thì đi vào đâu, nơi nào cũng khủng khiếp cả.

Đông thường đi kèm theo lộn xộn, đặc biệt với thói quen không biết xếp hàng như ở nhà mình. Tâm lý khi vào nằm tại phòng cấp cứu thì ai cũng cho mình là nặng nhất, bệnh nhân bên cạnh có thuốc mà mình chưa có là ý kiến ngay mặc dù với bác sĩ thì việc chưa cho thuốc là cần thiết để theo dõi hoặc làm chẩn đoán trước. Đương nhiên việc giải thích sẽ dành cho bệnh nhân hoặc một người nhà nào quan trọng nhất. Tuy thế, một người đi viện thường có nhiều người đi cùng, vừa giải thích người này xong thì người kia vào hỏi. Có lần trong 30 phút mình phải trả lời cho 5 người với cùng một câu hỏi. Mỗi ngày mình có hàng trăm bệnh nhân nặng, nên họa chăng mặt gỗ mới niềm nở được hết.


Thoát vị rốn ở bệnh nhân cổ trướng (thường do xơ gan và suy thận mạn). Ảnh: HungDr

Dạo này không biết từ đâu, có lẽ do một số bạn lều báo câu khách viết bài khen nức nở một vài thứ "con", "cây" của nợ nào đó cùng vài lời đồn thổi của nợ nào đó đánh trúng tâm lý người đọc. Vậy là rộ lên phong trào chữa bách bệnh. Bình sinh mình kinh nhất thuốc nào chữa bách bệnh. Không những chữa bách bệnh mà còn tốt cho đàn ông nữa thì càng kinh. Các tác dụng của mấy thứ thuốc của nợ đấy được thổi phồng lên một cách đáng sợ. Các bà lang không giấy phép hành nghề được lên ngôi, càng bí hiểm càng tốt. Sau một vài liệu trình điều trị, họ thải sang bệnh viện chỗ mình những thứ kinh dị chẳng còn biết "sửa" thế nào nữa. Thôi đành kính chuyển các cơ quan bộ phận vốn đã tổn thương nay hấp hối đi "ăn oản", mỗi lần đi buồng mình thường bảo các bác sĩ rằng đó là "hội chứng nóc tủ".

Kể cũng lạ và đáng thương, người ta thường tin lời đồn thổi hơn lời khuyên bác sĩ. Có lần lon ton mặc thường phục ra ngoài cửa khoa đi có việc, gặp ngay người nhà bệnh nhân mình vừa kê đơn và tư vấn, nghe thấy bác ấy nói chuyện với người nhà: thằng bác sĩ trẻ ranh vừa dọa tao gan bắt đầu xơ, kê cho một đống thuốc, lại còn bảo tao đừng uống thuốc lá. Nó biết đéo gì, thôi tao đéo uống, về nhà lên Mường nhờ cắt thuốc về uống chứ uống thuốc Tây vừa nặng vừa hại người chết có ngày. Mình thở dài lắc đầu, sắp thêm một "hội chứng nóc tủ" nữa. Sau vài tháng, một ngày đẹp trời "đười ươi chân nhân" ngồi nhìn bệnh nhân vàng ươm vào cấp cứu vì suy gan cấp, lúc ấy thì làm được gì.

Mỗi lần đi chơi đâu đó quanh đất nước giàu và đẹp của mình, bất kể nơi nào cũng bán thuốc bổ dương tốt cho đàn ông, từ sâu bọ cho đến nấm mốc rồi cây cỏ, kinh. 100% thứ gì cứ được gắn mác viagra thảo dược đều bán chạy. Mà dân mình thì rất nhạy, chỉ cần có bài báo nào quảng cáo hay đả động đến thứ gì đó là hôm sau có đồ bán đầy đường, mời chào kinh hồn làm như dân Việt Nam liệt dương hết lượt. Mà có khi liệt thật vì ai cũng mua, trong khi lời khuyên của bác sĩ thì chẳng thèm để tâm đến. Thế nên, mỗi lần lên mạng đọc thấy người ta kháo nhau “các mẹ ơi biết gì chưa” mình lại giật mình.

Một thứ hổ lốn mình gọi là nồi cám văn hóa và hiểu biết ấy quá sức kinh dị, nó một phần đóng góp vào bộ sưu tập biến chứng càng ngày càng nặng nề của các bệnh mạn tính. Nó đạp đổ mọi bằng chứng khoa học mà mình từng biết, ngày nào cũng có bệnh nhân xin dùng thêm những thứ mình chẳng biết bao giờ. Đến nỗi bọn sinh viên người Úc và Anh sang đây học một cách say sưa những chứng bệnh và biến chứng kinh điển mà chúng nó chỉ gặp trong sách vở và y văn. Chưa kể các bệnh mới ngày một xuất hiện nhiều hơn, không phải do y học phát triển mà tại xã hội đang tụt lùi. Rồi họ đâm ra ghê tởm những bọn dám nói ra sự thật ghê tởm ấy như phải xem bộ phim zoombie trên tivi.

Mình và các "đười ươi chân nhân" hàng ngày đang nai lưng ra sửa chữa những "hỏng hóc" mười mươi nhìn thấy rằng nó sẽ xảy ra mà không làm sao ngăn chúng lại được. Đó là nỗi nhục lớn nhất của người thầy thuốc, người sẽ phản ứng bằng cách mặt nhăn lại kiểu "đười ươi chân nhân" hay "lạnh lùng vô cảm" như các con "zoombie". Chưa kể với sự đông đúc như hiện nay, nếu có bệnh dịch gì đó, đương nhiên hậu quả thế nào ai cũng biết. Và nguy cơ lây nhiễm lớn nhất vẫn là các nhân viên y tế và gia đình họ. Mình cười he he bảo thằng bé sinh viên Úc là nhà tao lúc nào chả trong tình trạng thảm họa.

Một buổi sáng nào đó mình bước ra đường và gia đình không thấy mình quay trở về nữa không có gì lạ. Có bận, cả tua trực vớ ngay được bệnh nhân nhiễm não mô cầu, căn bệnh nguy hiểm cả chục năm nay không gặp (các nước phát triển chỉ có trong y văn). Bệnh phẩm cấy vài hôm mới ra kết quả, tuy dễ chữa nhưng nguy hiểm. Lúc gọi điện thông báo cho cả tua trực tiếp xúc với người bệnh uống thuốc phòng thì họ đã và đang ở nhà ôm ấp gia đình mất rồi. Vậy ai sẽ phải chịu đựng những mất mát nếu chẳng may gặp phải những chủng bệnh kinh khủng hơn thế, SARS, EBOLA rồi con của nợ gì nữa sắp xuất hiện. Rồi khi có việc xảy ra, người ta sẽ đóng cho cái dấu anh dũng hy sinh vào cái lọ là hết.

Sáng dậy soi gương thấy trán mình bắt đầu có nếp nhăn. Đôi khi mất định hướng không biết phải đi về đâu. Nhưng kệ, cứ thản nhiên lê lết như những con "zoombie" bản năng chiến đấu ngút trời chẳng biết sợ gì hết cũng hay. Và mỗi buổi chiều mặt lại nhăn như những con "đười ươi" để biết rằng cảm xúc của mình vẫn chưa chai sạn- thứ "bác sĩ zoombie" và "đười ươi chân nhân", he he.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Contact Us

Tên

Email *

Thông báo *

Back To Top