[ GÓC NHÌN] - ĐÁNH BÁC SĨ !

[ GÓC NHÌN] - ĐÁNH BÁC SĨ !

[ GÓC NHÌN] - ĐÁNH BÁC SĨ !
Khi nghe tin bác sĩ Lê Quang Dương ở bệnh viện Thạch Thất bị người nhà bệnh nhân đánh bất tỉnh, một dòng ký ức ùa về trong tôi.
Đầu năm 2002, tua trực của tôi có một bệnh nhân đau bụng dữ dội. Kết quả chụp chiếu và siêu âm do chính tôi làm, các xét nghiệm khác cũng được thực hiện rất khẩn trương. Nhưng bỗng bệnh nhân đột ngột tử vong. Cả kíp trực khi ấy đều có mặt, nhưng đều bó tay.
Người nhà bệnh nhân kéo đến rất đông, họ vác dao chém bất cứ ai mặc áo trắng. Cả bệnh viện phải cởi áo blouse bỏ chạy thoát thân.
Kết quả mổ tử thi không tìm ra nguyên nhân tử vong. Hội đồng chuyên môn cấp Sở và cấp Bộ được thành lập ngay tức khắc, các chuyên gia hàng đầu được mời đến kiểm thảo tử vong, đủ các cuộc họp và các chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, nhưng bí mật về cái chết của bệnh nhân vẫn mãi mãi không được sáng tỏ.
Suốt năm ấy, tuần nào người nhà bệnh nhân cũng đến giăng khẩu hiệu “đòi mạng”. Để giữ an toàn cho bản thân, anh em bác sĩ đã phải quyên góp tiền của nhau để “bồi dưỡng” cho họ.
Những câu chuyện bị bệnh nhân dọa đánh, bị đánh, hay phải mang tiền đến “bồi dưỡng” như tôi vừa kể trên đây, trong môi trường y tế không ai lạ, nó diễn ra thường xuyên. Nhiều lắm những câu chuyện, mà tôi tin chắc nhà văn có trí tưởng tượng phong phú đến mấy cũng không thể nghĩ ra.
Trước khi có lực lượng 141 của Công an Thành phố và sự hỗ trợ tăng cường của công an phường, gần như chúng tôi bị dọa đánh và bị đánh mỗi đêm, bởi những lý do chẳng ai ngờ nổi.
Có vẻ nhiều người bị ám ảnh, rằng mọi biến chứng hay tử vong đều là lỗi của bác sĩ, họ đòi bác sĩ phải chịu hết mọi trách nhiệm. Khi các báo đăng tin bác sĩ Dương bị đánh, tôi đọc kỹ và thấy nhiều ý kiến bình luận công kích bác sĩ. “Không có lửa thì sao có khói” - họ lập luận như vậy. Không gì đáng sợ hơn việc đám đông cổ vũ cho một hành động côn đồ.
Nếu coi bạo hành y tế giống như một cuộc đôi co ngoài đường phố, thì đó là một sai lầm cực kỳ tai hại, bởi thực tế nó nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bạo lực y tế gia tăng, nó giống như người bệnh đang tự đẩy chất lượng y tế xuống vực.
Khi bác sĩ bị một bệnh nhân đánh, họ sẽ phải “phòng thủ” trong chuyên môn, nhiều bệnh nhân khác sẽ bị ảnh hưởng, cả xã hội sẽ phải trả giá đắt. Hãy thử tưởng tượng, bác sĩ với một tâm trí sợ hãi, một bàn tay run rẩy, liệu họ có thể cung cấp một dịch vụ y tế tốt nhất dành cho người bệnh?
Cách đây 5 năm, tôi tiếp nhận một bệnh nhân có khối u màng não khoảng 7cm, u lành tính nhưng lại đe dọa tính mạng. Tôi và một bác sĩ đồng nghiệp đã tiến hành nút tắc toàn bộ các mạch máu nuôi dưỡng, để chuẩn bị cho ca mổ ngày hôm sau.
Khi chúng tôi đang loay hoay với chiếc ống thông đưa từ động mạch đùi lên não, thì người nhà bệnh nhân xông vào dọa. Họ nói bệnh nhân đã mổ 4 lần ở 4 bệnh viện mà không lấy được u, lần này nếu xảy ra bất cứ chuyện gì thì sẽ giết chết chúng tôi.
Mặc dù đã quen với nhiều lời hăm dọa nhưng chúng tôi vẫn bị sốc. Cả đêm không ngủ, cả sáng hôm sau làm việc trong trạng thái bất an, tâm trí hướng về phòng mổ đợi tin. Đến 1 giờ chiều, bác sĩ phẫu thuật gọi điện báo khối u đã hoại tử hoàn toàn vì kết quả nút mạch rất tốt, tổ chức u được nạo vét hết. Chúng tôi thở phào.
Việc điều trị được tiến hành trong trạng thái tâm lý như thế, là tốt hay không, có lẽ không cần trình bày.
Có nhiều nguyên nhân gây ra những bức xúc về chất lượng y tế. Ngân sách chi cho y tế không cao. Chính sách y tế còn nhiều bất cập, tạo ra sự không đồng đều giữa các tuyến, nhiều cơ sở y tế không được người dân tin tưởng. Quá trình chi trả bảo hiểm nhiêu khê, gây khó khăn không chỉ cho người bệnh mà còn cho cả các bác sĩ.
Nhưng đánh đập và dọa giết các bác sĩ sẽ giải quyết được những bất cập ấy? Hay là cho đến khi chất lượng y tế được cải thiện, chúng tôi phải chấp nhận làm việc trong bầu không khí kia vì “không có lửa thì sao có khói”?
Ứng xử như thế nào với tình trạng bạo hành y tế? Có thể nhiều người sẽ nói, rằng cần bàn tay của pháp luật.
Bác sĩ Dương đã bị người nhà bệnh nhân đập một cái cốc vào đầu và phải khâu 7 mũi. Là một bác sĩ đã từng khám giám định thương tích, tôi biết vết thương phần mềm khâu 7 mũi chưa gây tổn hại sức khỏe đến 11% để có thể truy tố. Công an sẽ phải thả đối tượng trong vòng 3 ngày tạm giữ, rồi xử phạt hành chính và đền bù tiền thuốc men cho bác sĩ bị đánh. Câu chuyện ầm ĩ rồi sẽ nhanh chóng chìm xuống.
Nhưng tính chất của 7 mũi khâu ấy, trên đầu của một bác sĩ cấp cứu, chịu trách nhiệm về sinh mạng của nhiều con người, thì nghiêm trọng hơn một vết thương phần mềm rất nhiều.
Cho đến khi toàn bộ hệ thống y tế được cải thiện - điều mà chính các bác sĩ cũng mong mỏi - thái độ chủ động của xã hội vẫn đóng vai trò quyết định.
Nhiều người hỏi tôi, làm thế nào để khi mắc bệnh sẽ gặp được những bác sĩ tốt? Câu trả lời của tôi là, ngay từ khi có nhận thức về cuộc sống, hãy tôn trọng bác sĩ.
Bác sĩ : Trần Văn Phúc



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Contact Us

Tên

Email *

Thông báo *

Back To Top