Buổi sáng, sau ca trực, tôi ngồi với mấy đồng nghiệp cùng ăn sáng. Căng tin mở đĩa nhạc đầy ắp không gian mùa xuân, đón năm mới, niềm vui vẻ và hân hoan, sự rực rỡ và lung linh… Sực nhớ ra, sắp Tết rồi!
Lẫn trong những bài nhạc xuân quen có, mới có, tự nhiên nghe một bài hát của nhạc sĩ họ Trịnh. Ông có nhiều bài hát nổi tiếng, trong đó có bài hát này, bài hát được rất nhiều người biết và đa số những người biết bài hát đó chỉ nhớ có mỗi câu hát đầu tiên: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi… Có lẽ, cái điều ấy đúng với nhiều tình huống, nhiều hoàn cảnh khác nhau trong cuộc đời này. Thế nhưng, với những người mặc áo trắng đeo ống nghe, cái điều ấy càng đặc biệt đúng hơn vì nếu không có cái tấm lòng nhẹ bỗng kia, chẳng dễ gì mà người thầy thuốc có thể đi qua nghề nghiệp của mình một cách thanh thản và hữu dụng.
Nếu không có tấm lòng, chắc hẳn sẽ khó khăn lắm để đi qua hết được những tháng ngày vất vả từ khi bước chân vào trường Y. Học từ sáng đến trưa, từ chiều đến tối, từ mùa thu sang mùa hạ, chẳng nhớ nổi là mùa xuân đến và đi tự lúc nào. Ra trường thì bắt đầu bị lút trong cái vòng xoáy của khám bệnh, trực đêm, trực trại, hội chẩn, phẫu thuật… và rồi lại bắt đầu… đi học tiếp. Nếu không có tấm lòng, chắc hẳn sẽ phải thường xuyên đối mặt với những phút chạnh lòng khi nhìn thấy những người khác không cần học hành cực nhọc như mình, làm việc nhàn nhã hơn mình, môi trường làm việc sang trọng và lịch lãm hơn mình, lại còn lĩnh lương cao gấp nhiều lần mình, cuộc sống phong lưu hơn hẳn mình, ở nhà to, đi xe nhỏ… Nếu không có tấm lòng, làm sao có thể ngày nối ngày tiếp đón những người bệnh nhăn nhó cáu kỉnh, kiệt sức vì cơn đau hay nỗi sợ hãi, đôi khi trở nên cộc cằn hay thô bạo với tất cả mọi người chung quanh không loại trừ cả những người thầy thuốc? Nếu không có tấm lòng, liệu có chịu đựng được mãi cái áp lực kinh khủng của chuyện một ý kiến, một quyết định của mình có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của một con người, cái điều ám ảnh đến cả trong giấc ngủ?
Lâu nay, đọc báo nghe đài, ngày nào cũng nghe thấy, nhìn thấy hàng tá những chuyện phải trái, sai đúng liên quan đến ngành y. Thấy buồn buồn khi người ta cứ bảo rằng y đức bây giờ xuống cấp quá. Thì chắc cũng có vài con sâu làm rầu nồi canh thật, nhưng mà vẫn cứ thấy thương cho những người thầy thuốc chân chính, tâm hồn trắng như màu áo, cứ mang tấm lòng của mình ra để làm cho tròn cái điều cần làm, rồi cuối cùng, để gió cuốn đi…
Nếu mà cứ để mọi thứ cho gió cuốn đi như thế, chắc không chóng thì chầy những tấm lòng dễ tổn thương kia sẽ bị héo khô, cạn kiệt đi mất. Cũng may, tấm lòng là cái thứ có thể tự tái sinh khi bị hao hụt mất mát, nhờ vậy mà mình và bạn bè vẫn còn ngồi đây, kiệt sức sau một đêm trực, nhưng vẫn thấy mình sẵn sàng cho một và những ngày làm việc tiếp theo. Như bài hát của Trịnh nhạc sĩ ở đoạn cuối: Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người, còn cuộc đời ta cứ vui…
Nhìn sang bàn bên cạnh, thấy mấy em sinh viên trẻ măng đang vừa ăn vừa… cãi nhau tưng bừng về chẩn đoán cho một ca bệnh vừa nhận trong đêm, tự nhiên thấy nhẹ lòng. Những cái chồi mới của cánh rừng y học đấy! Qua cánh cửa đôi mắt… (đa số là đã bị cận thị của các em) vẫn lấp lánh những tấm lòng chân thành dành cho y học và người bệnh.
Khi đã có tấm lòng làm nền tảng, cũng cần thêm chút chăm sóc, vun bồi, cần mưa thuận gió hoà để chồi non trở thành cây xanh tươi tốt. Y đức bắt đầu từ những tấm lòng trong veo như thế nên có lẽ cũng cần nghĩ đến chuyện chăm sóc những tấm lòng thay vì chỉ chăm chăm chú chú vào cái ống nghe và những máy móc vô hồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét