Bệnh nhân đang được điều dưỡng viên chăm sóc tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Ảnh minh họa: TM
Một tuần nay thấy em ho. Tôi hỏi thăm rồi chỉ biết động viên em vài câu, cũng nghĩ là em sẽ vượt qua được. Em vốn là người mạnh mẽ mà.
Tôi nghe mọi người xôn xao, em đi chụp phim X quang phổi, nghi ngờ có tổn thương. Em bước vào cửa, trên tay cầm tấm phim X quang. Tôi vội vàng cùng các bác sỹ khác đọc phim. Dù có chút nghi ngờ nhưng chúng tôi vẫn động viên em: “không có gì đâu, chắc em bị viêm phế quản thôi”.
Tôi biết em lo lắng, nếu em bị bệnh ấy, em sẽ là nguồn lây cho những người xung quanh, nhất là mẹ và con em. Tôi liên hệ với các đồng nghiệp khác để hội chẩn và đưa em đi chụp CT phổi ngay. Kết quả nghĩ tới một tổn thương lao phổi tiến triển. Dù còn phải đợi một vài xét nghiệm khác, nhưng ai cũng hiểu đó là sự mở đầu của một quá trình điều trị gian nan.
Cái giống bệnh này, nó như một kẻ “dậu đổ bìm leo”, chỉ đợi người khác mệt mỏi là lao vào. Cả phòng xôn xao, ai cũng hiểu ngay em đã bị lây từ một bệnh nhân nào đó, dù em có đeo khẩu trang, nhưng bệnh nhân đâu chịu đeo.
Em khóc. Khóc như một đứa trẻ. Nhà đã thiếu người, bệnh phòng đã rất thiếu điều dưỡng. Nay em phải tạm nghỉ để điều trị, phải cách ly với mẹ và con gái nhỏ. Tôi và đồng nghiệp đứng nhìn, không biết phải nói sao.
Nghề Y của chúng ta như vậy ư? Họ không tuân thủ bất kỳ nội quy nào của bệnh viện, họ làm ồn, họ làm bẩn, họ bỏ uống thuốc, họ trốn về nhà, họ mang đủ các thứ đầy vi khuẩn bám ở đồ dùng cá nhân từ bên ngoài vào phòng bệnh, họ không đeo khẩu trang dù đã được đưa đến tận tay, để rồi chỉ chờ lúc em nhắc nhở kiên quyết, họ sẽ đưa em lên báo và nói rằng em mắng họ. Sao cái lúc này, họ không có ở đây để chia sẻ???
Tôi cùng các đồng nghiệp khác lập tức tự cách ly với gia đình, tạm không gặp mặt con cái vài ngày trước khi khẳng định được mình không bị lây nhiễm như em. Có đôi chút vất vả và nhớ nhung, nhưng không là gì cả so với những gì em đang phải chịu đựng.
Điều dưỡng ơi, em đừng khóc nhé, vì có chúng tôi bên cạnh, như một gia đình nhỏ. Em như cánh chim báo bão, có đôi lúc mệt mỏi phải neo đậu ở cột buồm. Tạm vắng em, chúng tôi sẽ khó khăn chèo lái, bệnh nhân cứ đông như những con sóng dồn dập vào mạn thuyền, xô đẩy ngả nghiêng. Nhưng tàu sẽ vững lái, để đợi ngày em trở lại công việc. Chỉ sáu tháng thôi.
Bác sĩ Thanh Huyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét